"Công bố" danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Xướng tên tuồng, chèo, cải lương...
VHO- Lần đầu tiên, hàng chục nghề trong nhóm trình diễn nghệ thuật, du lịch... được “điểm danh” tại Danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH vừa được Bộ LĐ,TB&XH ban hành.
Các ngành nghề đào tạo âm nhạc đều rất khó tuyển sinh, vì vậy, việc miễn giảm học phí là vô cùng cần thiết. Trong ảnh: Tiết mục của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Theo đó, Thông tư 05 được ban hành thay thế Thông tư 36/2017/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực kể từ ngày 30.7.2023, áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành. Việc thực hiện quy định trong giáo dục nghề nghiệp đối với người học ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng các khóa tuyển sinh và tổ chức đào tạo trước thời điểm Thông tư 05 có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư 36 cho đến khi kết thúc khóa học.
Nhiều ngành nghề lần đầu xuất hiện
Điểm đáng chú ý, nếu như Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH không có ngành, nghề học nào thuộc nhóm “Nghệ thuật trình diễn” được xếp trong danh mục nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng thì Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH có tới 20 loại hình được xếp vào nhóm này, gồm: Nghệ thuật biểu diễn Ca kịch Huế, Nghệ thuật biểu diễn Dân ca, Nghệ thuật biểu diễn Chèo, Nghệ thuật biểu diễn Tuồng, Nghệ thuật biểu diễn Cải lương, Nghệ thuật biểu diễn Kịch múa, Nghệ thuật biểu diễn Múa dân gian dân tộc, Nghệ thuật biểu diễn Xiếc, Nghệ thuật biểu diễn dân ca Quan họ, Nghệ thuật biểu diễn Kịch nói, Diễn viên kịch - điện ảnh, Diễn viên múa, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Nhạc công Kịch hát dân tộc, Nhạc công truyền thống Huế, Organ, Thanh nhạc, Chỉ huy hợp xướng.
Ngoài ra, cũng trong trình độ trung cấp còn có Điêu khắc (thuộc mã ngành Mỹ thuật) và Đúc, dát đồng mỹ nghệ; Chạm khắc đá; Gia công và thiết kế sản phẩm mộc (thuộc mã ngành Mỹ thuật ứng dụng). Trong mã ngành Đào tạo giáo viên có Giáo viên dạy xiếc; trong mã ngành Mỹ thuật và Mỹ thuật ứng dụng cũng có các ngành tương tự như hệ đào tạo trung cấp. Cùng với đó, trong danh mục cũng có những mã ngành lần đầu tiên xuất hiện ở nhóm đào tạo du lịch như Hướng dẫn viên du lịch, Nghiệp vụ lưu trú, Quản trị buồng phòng, Kỹ thuật chế biến món ăn…
Lần đầu tiên nghệ thuật biểu diễn Cải lương được “điểm danh” trong Danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong ảnh: Vở San hậu của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang
Cần sự thấu hiểu đặc thù trong công tác đào tạo
Trao đổi với Văn Hóa, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) Lê Anh Tuấn cho biết, trước khi Thông tư 05 được ban hành, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi Bộ LĐ,TB&XH góp ý 2 dự thảo gồm: Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20.4.2017 quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độtrung cấp, cao đẳng và dự thảo Thông tư ban hành danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29.12.2017. Ông Tuấn nhấn mạnh, bên cạnh Thông tư 05 do Bộ LĐ,TB&XH quy định về trình độ trung cấp, cao đẳng thì còn có Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành cũng có quy định cụ thể các ngành đào tạo lĩnh vực nghệ thuật ở trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, điều đó cho thấy sự quan tâm đối với các ngành nghề đặc thù trong lĩnh vực đào tạo VHTTDL.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải cho rằng, Thông tư 05 bổ sung nhóm đào tạo du lịch như “Hướng dẫn viên du lịch”, “Nghiệp vụ lưu trú”, “Quản trị buồng phòng”, “Kỹ thuật chế biến món ăn”… vào danh mục ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn và mong muốn của giáo viên và học sinh. Điều này chắc chắn sẽ tăng đầu vào tuyển sinh của nhà trường trong thời gian tới.
Trong nhóm nghệ thuật trình diễn có đưa vào một số mã ngành mới như Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, ogran, Thanh nhạc, Chỉ huy hợp xướng. Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, PGS.TS Lê Anh Tuấn bày tỏ, việc điều chỉnh bổ sung đã đáp ứng nhu cầu đào tạo của nhà trường. “Những ngành nghề âm nhạc mới được đưa vào Danh mục đều là những ngành nghề đào tạo đòi hỏi đầu tư rất lớn, học sinh muốn theo học cũng phải đáp ứng những yêu cầu ngặt nghèo, ngoài năng khiếu thì ngay từ sức khoẻ cũng phải đảm bảo vì quá trình luyện tập rất gian khổ. Phải có thể lực tốt, hơi khỏe các em mới có thể tập và biểu diễn được với những loại đàn to như kèn Tuba, kèn Trumpet, Organ... Các ngành nghề này đều rất khó tuyển sinh, vì vậy, việc miễn giảm học phí là vô cùng cần thiết để tăng nguồn nhân lực ngay từ đầu vào”, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhận định.
Trên thực tế, Thông tư 05 giúp cho người học và người dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, góp phần giảm thiểu sự bất cập về cơ cấu ngành, nghề. Tuy nhiên, dù nhiều ngành người học được giảm tới 70% học phí, có chế độ bồi dưỡng nghề, hỗ trợ trang phục, phụ kiện biểu diễn, hỗ trợ tác phẩm tốt nghiệp... nhưng vẫn “ế”. Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam Ngô Lê Thắng tâm tư: “Hiện nay học sinh trường xiếc được áp dụng hỗ trợ theo Điều 18 của Nghị định 81/2021/NĐ-CP là được giảm 70% học phí. Nhưng chính sách chỉ là một phần, quan trọng là giới trẻ ngày nay bị thu hút bởi những ngành có thu nhập cao, có cơ hội phát triển. Dấn thân vào các ngành như Xiếc tuổi nghề rất ngắn, tập luyện lại vất vả, gian nan, thậm chí nguy hiểm. Chúng tôi đã có kiến nghị nên chăng có sự điều chỉnh cho Xiếc áp dụng theo Điều 15 của Nghị định 81 đó là được miễn học phí thì sẽ hợp lý hơn”.
Nếu áp dụng đào tạo một số ngành, nghề như Xiếc, Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa... đúng như quy định chung đối với mọi ngành nghề khác trong xã hội thì quá đơn giản. Đơn cử như số lượng vài trăm học sinh, sinh viên của một cơ sở đào tạo nghệ thuật là quá nhỏ so với số lượng hàng chục nghìn học sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo nói chung. Tuyển sinh đầu vào của các ngành nghệ thuật cũng không thể đại trà, bởi người học ngoài yếu tố năng khiếu, còn cần có những điều kiện thuận lợi về ngoại hình, sức khỏe, độ bền dẻo, khéo léo và đang phát triển ở nhiều độ tuổi khác nhau tùy theo từng ngành đào tạo. Có những ngành nghệ thuật phải học ngay từ khi 7-8 tuổi mới đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH và các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong công tác đào tạo hiện nay, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Dự thảo Nghị định đang được hoàn thiện giai đoạn cuối để trình Chính phủ ban hành.
Sự ra đời của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH là bước khởi đầu cho những văn bản quy định riêng, là căn cứ pháp lý cụ thể và thực tiễn cho các cơ sở đào tạo đặc thù thuộc ngành VHTTDL áp dụng; đồng thời để tháo gỡ những khó khăn đối với hoạt động đào tạo cũng như khuyến khích học sinh có năng khiếu, tài năng theo học các ngành, nghề nghệ thuật chuyên sâu.
Những ngành nghề âm nhạc mới được đưa vào Danh mục đều là những ngành nghề đào tạo đòi hỏi đầu tư rất lớn, học sinh muốn theo học cũng phải đáp ứng những yêu cầu ngặt nghèo, ngoài năng khiếu thì ngay từ sức khoẻ cũng phải đảm bảo vì quá trình luyện tập rất gian khổ. Phải có thể lực tốt, hơi khỏe các em mới có thể tập và biểu diễn được với những loại đàn to như kèn Tuba, kèn Trumpet, Organ... Các ngành nghề này đều rất khó tuyển sinh, vì vậy, việc miễn giảm học phí là vô cùng cần thiết để tăng nguồn nhân lực ngay từ đầu vào. (PGS.TS LÊ ANH TUẤN, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) |
THÚY HIỀN